Từ chợ Hà Tiên, đi theo đường đến ao sen “Bảo Ngọc Liên Trì” cách khoảng 1km là đến chân núi Bình San, nơi có đền thờ họ Mạc. Sử liệu ghi lại, buổi đầu, đền chỉ bằng gỗ lợp lá, do Mạc Công Du – cháu 4 đời của Mạc Cửu – thừa lệnh vua Gia Long lập khoảng các năm 1816-1818, khi ông giữ chức Hiệp trấn và Trấn thủ Hà Tiên. Năm 1833, ông theo Lê Văn Khôi chống lại vua Minh Mạng. Khi cuộc nổi dậy thất bại, Công Du cùng nhiều con cháu họ Mạc đều bị tội, ngôi đền cũng dần đổ nát.
Năm 1836, đại học sĩ Trương Đăng Quế đi kinh lý, tổ chức lại việc cai trị ở các tỉnh vừa trải qua tai họa chiến tranh, khi về có tâu trình lên vua Thiệu Trị: “Việc mở mang đất Hà Tiên lúc ban đầu do công lao của Mạc Cửu rất lớn, nên lưu dụng lại con cháu họ Mạc”. Nhưng mãi đến năm 1845, nhân tấu trình của quan Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn, vua Thiệu Trị mới có lệnh “Tìm lại con cháu họ Mạc, người nào có tài có thể dùng thì tâu lên” và thuận cho xây dựng lại đền thờ mới.
Năm 1846, nhà vua cho lập lại đền kiên cố hơn, đẹp đẽ hơn, mái lợp ngói, nhưng ở một vị trí khác, đó là phía tây chân núi Bình San, tức vị trí bây giờ và có tên là Trung Nghĩa Từ. Vua Tự Đức phong cho cháu cố là Mạc Văn Phong làm đội trưởng để lo việc thờ cúng.
Năm 1897, chí sĩ Nguyễn Thần Hiến vận động nhân dân đóng góp tiền công, trùng tu lại đền và hoàn thành năm 1900. Từ đó cho đến nay, đền còn được tu bổ nhỏ nhiều lần. Phía trước đền thờ là hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai đào để chứa nước ngọt cho nhân dân dùng.
Ngôi đền họ Mạc, ngoài giá trị lịch sử, còn là một công trình có tính nghệ thuật cao, với cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Cả đền thờ được bảo vệ bằng một tường rào dày bằng đá, rêu phong. Ngay cổng đền thờ, có đề tên Mạc Công miếu, hai bên có cặp liễn đối bằng chữ Hán ca ngợi dòng họ hiển hách này: “Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng/Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (tạm dịch: Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ/Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu).
Qua khỏi cổng là một con đường ngắn, hai bên trồng cây xanh, dẫn đến một tiểu đình rộng. Qua thêm một cổng nữa, là điện thờ chính và tả vu, hữu vu. Ngoài những hoành phi, liễn đối và tranh vẽ, tại điện thờ chính còn có một biển thờ đề bốn chữ “Khai Trấn Trụ Quốc” và bức hoành “Nghị Võ Công”, đó là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước sự nghiệp mở mang bờ cõi của dòng họ Mạc. Đặc biệt, trên vách và cột điện thờ, hiện còn bài văn kêu gọi quyên tiền cất miếu cùng hai bài thi ca ngợi công đức Mạc Thiên Tứ của chí sĩ Nguyễn Thần Hiến.
Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến 3m, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ của ông có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, núm mộ có hình dáng như một con trâu nằm (thế tọa ngưu). Hai bên mộ trước kia có hai tượng tướng sĩ oai phong cầm gươm đứng hầu, chạm trổ tinh vi. Khu mộ rất kiên cố nên dù đã trải qua 3 thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, chỉ hai bức tượng bằng đá xanh đã bị trộm được thay bằng tượng xi măng.
Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc – vợ Mạc Thiên Tích (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích, cũng giống như mộ cha nhưng bày trí khiêm nhường hơn.
Khi đến tham quan tại đây du khách sẽ được hướng dẫn viên thuyết minh về công lao to lớn của dòng họ Mạc với vùng đất Hà Tiên, như được về lại với thuở ban sơ của vùng đất này. Hãy đồng hành cùng Daily Travel VietNam trong Tour Mỹ Tho – Châu Đốc – Hà Tiên – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu 5 ngày 4 đêm. Thông tin liên hệ (+84) 34 3834 069 hoặc (+84) 908 44 00 58. Chúc Quý khách có một chuyến đi thật nhiều niềm vui và ý nghĩa.
Previous post: Miễn Phí Tham Quan Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Năm 2024
Next post: Đoàn anh Đào Đức Chính đi Cần Thơ – Sóc Trăng – Cà Mau – Bạc Liêu 4 ngày 3 đêm
© Copyright by Dailytravelvietnam 2012 – 2024.
All rights reserved.