Chùa do bà Thợ lập nên. Bà tên thật là Lê Thị Thơ, sinh năm Mậu Dần (1818), quê quán Chợ Lớn, làm nghề thợ may nên được gọi là bà Thợ. Sau khi có chồng gặp cảnh đời ngang trái, bà từ bỏ cuộc sống đời thường đi đến núi Sam vào chùa Tây An xin quy y với pháp danh Diệu Thiện. Tu được một thời gian, nhận thấy Tây An Tự nhiều người lui tới và bị chính quyền bấy giờ theo dõi, nên bà đi lần về hướng Tây gặp cái hang sâu yên tĩnh, vắng người, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am tu hành.
Tương truyền, cạnh am bà Thợ tu hành có 1 hang núi sâu, bên trong có đôi mãng xà to, hung tợn. Từ khi bà Thợ đến tu, đôi mãng xà trở nên hiền lành, chúng không hại người mà đêm đêm còn đến khoanh sau lưng bà nghe kinh, ăn đồ chay cúng Phật và trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ yên tĩnh chốn tu hành. Bà Thợ đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà. Sau khi bà Thợ qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất. Hiện nay, để tránh nguy hiểm, hang được lấp kín chỉ còn lối đi vào cửa sâu khoảng 10m, trông rất âm u, huyền bí.
Ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1899), sư nữ Diệu Thiện viên tịch, thọ 81 tuổi. Ngày nay trong dân gian còn lưu truyền cuốn Sấm giảng Bà Thợ, lời lẽ giản dị dễ hiểu, khuyên người đời làm lành tránh dữ. Di ảnh bà còn lưu lại trong chùa với gương mặt phúc hậu, nhân từ.
Năm 1885, do cảm mến đức độ của sư nữ Diệu Thiện, ông Phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) ở Châu Đốc và nhân dân quanh vùng đã tự quyên góp tiền của, xây dựng lại chùa: nền lát gạch tàu, cột gỗ căm xe, kèo rui gỗ thao lao, lợp ngói… từ đó trở thành Phước Điền Tự nhưng người ta vẫn gọi là chùa Hang. Đến năm 1937, Hòa thượng Thích Huệ Thiện (1904 – 1990) trùng tu lần thức hai. Ngày nay, vào đời trụ trì thứ ba, Hòa thượng Thích Thiện Chơn vẫn còn đang tiếp tục xây dựng…
Từ chân núi đến chùa Hang là con đường nấc thang vừa để dễ đi vừa tạo thêm nét đẹp giữa những khối đá chập chùng. Đoạn đường đủ để người ta đi một hơi rồi đứng lại hít thở không khí trong lành, ngước nhìn cảnh chùa cao vời vợi hay ngắm cảnh đồng bằng bao la bát ngát.
Trước chùa có hai ngôi bảo tháp màu sắc sặc sỡ, hài hòa, chạm khắc công phu, đứng uy nghi trên triền núi. Phía dưới là bảo tháp của hòa thượng Thích Huệ Thiện, phía trên là bảo tháp của bà Thợ. Ngôi bảo tháp này được xây dựng năm 1899. Đã nhuốm màu rêu phong nay được tu sửa lại. Trước bảo tháp của bà Thợ là mộ thầy Phán Thông, tức ông Nguyễn Ngọc Cang, người có công rất lớn trong việc trùng tu lần đầu tiên.
Mặt tiền chùa và chánh điện được xây dựng lại khang trang, mỹ thuật hơn xưa. Chính giữa thờ Phật Thích Ca cùng với các vị Quan Âm, A Di Đà, Đại Thế Chí ở hai bên. Đặc biệt, phía trước là cây cột phướn đồ sộ cao hơn 20m. Dưới thềm chùa là hai tượng sư tử bằng xi măng khá sinh động. Bên trái chùa là Tây lang, bên phải là Đông lang đã được xây dựng mới.
Có thể Quý khách đã từng biết về các Chùa Hang ở nhiều nơi như Chùa Hang Trà Vinh, Hà Tiên…Nhưng đến Chùa Hang Châu Đốc, du khách không chỉ có dịp viếng thăm một trong những ngôi chùa linh thiêng của Châu Đốc, mà còn có thể ngoạn cảnh thiên nhiên quanh chùa rất thi vị với núi Sam hùng vĩ thẫm xanh và làng quê An Giang trù phú, bình yên. Hãy đến với Tour du lịch miền Tây 3 ngày 2 đêm hoặc Tour Mỹ Tho – Vĩnh Long – Cần Thơ – Rừng Tràm Trà Sư 4 ngày 3 đêm của Daily Travel VietNam. Thông tin liên hệ (+84) 34 3834 069 hoặc (+84) 908 44 00 58. Chúc Quý khách có một chuyến đi thật nhiều niềm vui và ý nghĩ.
Previous post: Miễn Phí Tham Quan Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Năm 2024
Next post: Đoàn anh Đào Đức Chính đi Cần Thơ – Sóc Trăng – Cà Mau – Bạc Liêu 4 ngày 3 đêm
© Copyright by Dailytravelvietnam 2012 – 2024.
All rights reserved.