Núi Ba Thê còn có tên gọi khác là núi Vọng Thê. Tên chữ là Hoa Thê Sơn. Vào đời vua Minh Mạng vì kỵ húy tên Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, nên đổi tên là núi Ba Thê. Đây là một ngọn núi nằm giữa vùng tứ giác Long Xuyên, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Núi Ba Thê là tên gọi chung cho cụm núi gồm: Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Trong đó, Ba Thê là ngọn cao nhất, lớn nhất trong vùng tứ giác Long Xuyên với độ cao hơn 200m.
Khách du lịch nếu muốn leo lên núi Ba Thê sẽ đi theo con đường nhỏ quanh co có khoảng 2km đã tráng nhựa. Hai bên đường là rừng cây thâm u, vách đá và vực sâu thăm thẳm. Trên đỉnh núi Ba Thê có ngôi chùa cổ Sơn Tiên Tự khá trầm lắng. Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát cao chừng 8m, đứng trên tòa sen khoác áo choàng đỏ uy nghi chờ ban phước lành cho muôn loài. Cách chùa Sơn Tiên Tự khoảng 100 m là nhà trưng bày cổ vật liên quan đến vùng Ba Thê và di tích Óc Eo – đô thị của vương quốc Phù Nam xưa. Điều đặc biệt là công trình này có phong cách kiến trúc rất giống những đền đài của các nước vùng Nam Á, mang dấu ấn của Hindu giáo qua kiến trúc mái vòm.
Núi Ba Thê có hòn đá hoa cương cao chừng 3m, to cỡ gốc cổ thụ bốn năm người ôm, nằm bên hông chánh điện của chùa Sơn Tiên Tự. Trên mặt viên đá khổng lồ ấy có dấu bàn chân người to hơn bình thường. Người ta cho đó là “bàn chân tiên”. Các sư trên núi kể lại: xưa kia lúc mới tạo sơn, đá núi còn mềm như đất sét, có một vị tiên đã ấn bàn chân mình lên đá để làm dấu…
Nằm ở phía Bắc núi Ba Thê, có tảng đá gọi là Thạch Đại Đao nặng khoảng 2,5 tấn cao khoảng 320cm được cho là bửu bối trừ gian diệt ác của trời, gắn với khá nhiều câu chuyện dân gian lý thú. Nơi này rất giàu tài nguyên và có một số loại đá quý như thạch anh ám khói, thạch anh tím và đá xây dựng sậm màu hạt thô.
Đến núi Ba Thê, khách du lịch sẽ được ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp mang nét hoang sơ của núi rừng cùng những biểu tượng phong phú mang lại cảm giác huyền bí cho nơi đây.
Previous post: Tour tham quan đồi Cát Mũi Né
© Copyright by Dailytravelvietnam 2012 – 2025.
All rights reserved.